Chiến tranh với Bắc Ngụy Lưu Tống

Xem chi tiết: Chiến tranh Lưu Tống - Bắc Ngụy

Nhà Lưu Tống thành lập bắt đầu thời kỳ lịch sử Nam bắc triều chong mặt nhau. Bắc Ngụy trong khi Lưu Tống mới thành lập đã phát động mấy cuộc tấn công nhưng Lưu Tống cũng nhiều lần xua quân bắc phạt, đôi bên có thắng có thua và ngược lại.

Lần thứ nhất

Năm 422 nhà Ngụy nhân cơ hội Tống Vũ Đế chết liền cho 10 vạn quân tấn công vào các thành Hứa Xương, Hổ Lao, Đông Dương[3]. Sau hơn 200 ngày giao chiến, kết quả quân Tống thất bại, nhiều quân sĩ bị bắt làm tù binh, chỉ có hơn 200 quân chạy thoát. Bên Ngụy số lượng quân chết vì bệnh dịch cũng lên tới trên 2 vạn. Tháng 1 năm 423, quân Ngụy hạ được thành Kim Dung, Lạc Dương và Lâm Tri. Các thành của Tống chỉ có Đông Dương và Hổ Lao còn cầm cự.

Tướng Tống là Đàn Đạo Tế mang quân cứu ứng, thấy Đông Dương yếu hơn và gần hơn nên cứu trước. Quân Ngụy đúng lúc đó bị dịch bệnh nên thấy viện binh phải lui. Đàn Đạo Tế không được cấp nhiều lương nên phải dừng lại không truy kích được. Thành bị phá nặng nên tướng trấn thủ Đông Dương là Trúc Quỳ phải dời tới thành Bất Kỳ.

Hổ Lao ở xa, các cánh quân của Đạo Tế ở Hồ Lục, Lưu Túy ở Hạng Thành, Thẩm Thúc Ly ở Cao Kiều nhưng không dám tới cứu vì sợ thế lớn của Bắc Ngụy. Do không được cứu nên tới tháng 4 năm 424, thành bị hạ. Quân Ngụy tuy lấy được thành nhưng tổn thất khá nhiều.

Sau lần chiến tranh đó, Lưu Tống bị mất vùng đất từ Hồ Lục, Hạng Thành[4] trở lên phía bắc.

Cuộc chiến Tống Ngụy lần thứ nhất kết thúc với kết cục quân Tống mất nhiều đất đai ở phía nam Hoàng Hà.

Lần thứ hai

Trong thời gian trị vì của Tống Văn đế (423-453) thế nước cường thịnh nên nhà Lưu Tống mở các chiến dịch bắc phạt.

Nhân lúc Bắc Ngụy phải đối phó với Nhu Nhiên phía bắc, năm 429, Tống Văn Đế đòi Ngụy trả đất Hà Nam. Bắc Ngụy Thái Vũ Đế không chịu.

Năm 430, Tống Văn đế sai Đáo Ngạn Chi mang quân bắc phạt. Tháng 7 quân Tống tới Tu Xương[5]. Quân Ngụy ở 4 thành Cao Ngao, Hoạt Đài, Hổ Lao và Kim Dung ít quân nên chủ động rút lui. Ngạn Chi thu 4 trấn rồi tiến đến bến Linh Xương[6] và chia quân tiến sang Đồng Quan phía tây.

Tướng Thôi Hạo của Bắc Ngụy thấy quân Tống mắc sai lầm là chỉ có 5 vạn mà dàn ngang 2000 dặm đông tây, nên lực lượng rất yếu ớt. Tháng 10 cùng năm, Bắc Ngụy ra quân phản công, lấy lại được Lạc Dương và Hổ Lao.

Tháng 11, Tống Văn đế lại sai Đàn Đạo Tế đi tiếp ứng. Nhưng quân Đạo Tế chưa tới thì Ngạn Chi bị mất 2 thành đã hoảng sợ, hạ lệnh đốt thuyền, bỏ giáp nặng rút về Bành Thành. Quân Ngụy đuổi theo đến Lịch Thành, thái thú Tế Nam của Tống là Tiêu Thừa Chi chỉ có vài trăm quân nhưng dụng "không thành kế", cho mở toang cổng thành. Quân Ngụy sợ có phục binh không dám vào thành.

Tháng 2 năm 431, quân Ngụy giao tranh với Đàn Đạo Tế lên bắc cứu Hoạt Đài. Hai bên đánh nhau 30 trận, đều bị tổn thất nặng. Thúc Tôn Kiến bèn dùng kế đánh úp đường vận lương của quân Tống khiến Đạo Tế bị thiếu lương. Đạo Tế phải rút quân. Quân Ngụy truy kích bắt được Chu Tu Chi.

Cuộc bắc phạt của Tống Văn đế thất bại.

Lần thứ ba

Chiến sự Tống - Ngụy tạm ngừng trong nhiều năm. Năm 450, Thái Vũ đế điều 10 vạn quân vây đánh Huyền Hồ. Tướng thủ thành quân Tống là Trần Hỷ chỉ có 1000 quân chống trả trong 42 ngày, quân Ngụy bị thiệt hại hơn 1 vạn nhưng không hạ được thành. Tuy vậy, các thành xung quanh đều sợ thế Ngụy và bỏ thành rút chạy.

Lưu Tống yếu thế hơn, nhưng Tống Văn Đế vẫn muốn ra quân. Để chuẩn bị cho cuộc tấn công lần thứ hai, Lưu Tống Văn Đế cho quân đồn trại và vận chuyển lương thảo đến các khu vực ven biên giới, sai các tướng do Vương Huyền Mô cầm đầu đem quân Bắc phạt. Thẩm Khánh Chi can ngăn:

"Giữ việc nước, cũng như lo việc nhà vậỵ Muốn bàn luận về việc cày ruộng thì phải bàn luận với 1 nông phu nhiều kinh nghiệm. Muốn bàn luận về việc canh cửi thì phải bàn luận với người đàn bà dệt vải. Nay Bệ hạ muốn mở chiến tranh với nước khác, mà lại để những người bạch diện thư sinh không một chút kinh nghiệm về quân sự đứng ra bàn luận, thì làm sao mà thành công được."

Tống Văn Đế không nghe, quyết tâm bắc phạt. Tháng 7 năm 450, quân Tống xuất phát. Phía đông, Vương Huyền Mô và Thẩm Khánh Chi cầm quân thủy; phía tây, hoàng tử Lưu Đãn cùng Liễu Nguyên Cảnh đánh chiếm Hoằng Nông[7].

  • Chiến sự phía đông:

Tướng Ngụy ở các thành Cao Ngao, Nhạc An đều bỏ thành chạy. Huyền Mô đánh Hoạt Đài, 1 tháng không hạ được. Tháng 9, vua Ngụy đích thân nam tiến cứu Hoạt Đài, xưng là có trăm vạn quân. Vương Huyền Mô bỏ lỡ mấy cơ hội hạ thành, nghe tin đó hoảng sợ, rút quân. Quân Ngụy truy kích giết hơn vạn quân Tống.

Tổng chỉ huy Tiêu Bân nghe tin Huyền Mô thua trận, định đi cứu thì Mô đã chạy về đến nơi. Thấy quân Ngụy thế lớn, các tướng Tống phải bàn nhau rút về cố thủ ở Cao Ngao, Thanh Khẩu, Lịch Thành. Sau vì vị trí của Cao Ngao đặc biệt nên quân Tống phải bỏ Cao Ngao.

  • Chiến sự phía tây:

Tướng Tống là Liễu Nguyên Cảnh cùng lão tướng Bàng Quý Minh tiến đánh Lư Thị rồi hạ được Hoằng Nông, tiến đánh Đồng Quan và Thiểm châu. Tướng Ngụy là Liên Đề không chống nổi, bị tử trận cùng 3000 quân. 2 vạn quân Ngụy bị bắt, được Nguyên Cảnh cho thả hết.

Thiểm Thành bị mất khiến Đồng Quan bị mất theo. Quân Tống uy hiếp phía tây dữ dội. Hào kiệt người Hán ở Quan Trung cũng như người Khương (1 trong Ngũ Hồ) hưởng ứng quy hàng. Cùng lúc đó, tướng Tống là Lưu Khang Tổ cũng hạ được Trương Xã rồi tiến đánh Hổ Lao.

Nhưng lúc đó tin bại trận của Vương Huyền Mô phía đông báo về Kiến Khang. Tống Văn đế lại cho rằng cánh này bị thua nặng thì phía tây cũng không nên đơn độc vào sâu đất địch nên hạ lệnh lui quân. Các tướng Tống đành rút về Tương Dương. Phía tây của Bắc Ngụy qua được nguy hiểm.

Lần thứ tư

Thái Vũ đế thấy quân Tống rút lui bèn khởi đại quân nam tiến. Tướng Ngụy là Thác Bạt Nhân đánh Thọ Dương, hạ Huyền Hồ và Hạng Thành. Tống Văn đế điều Lưu Khang Tổ cứu Thọ Dương. Quân Tống chỉ có 8000, đụng 8 vạn quân Ngụy ở Úy Vũ. Chiếm ưu thế quân số, Thác Bạt Nhân tiêu diệt toàn bộ cánh quân này, giết chết Khang Tổ.

Tướng giữ Thọ Dương của Tống là hoàng tử Lưu Thước cố thủ không đánh, quân Ngụy không hạ được.

Thái Vũ đế đích thân cầm quân chủ lực đánh Bành Thành[8]. Các hoàng tử Lưu Nghĩa Cung (em Tống Văn đế) và Lưu Tuấn (con Văn đế) cố thủ không ra, quân Ngụy không hạ được. Tháng 12 năm 450, Tống Văn đế sai Tang Chất đi cứu Bành Thành. Chất chỉ có 1 vạn quân, đụng đại quân Ngụy, bị giết gần hết, chỉ còn 800 quân chạy vào Vu Thai.

Ngụy Thái Vũ đế cho 1 cánh quân nhỏ vây Vu Thai mà cất đại quân nam tiến tiếp. Rằm tháng chạp, quân Ngụy tới Qua Bộ[9], ông ra lệnh phá nhà dân làm bè, phao tin quân Ngụy muốn vượt Trường Giang vào Kiến Khang. Kinh thành nhà Tống rơi vào tình trạng khẩn cấp, phải điều động cả con em vương công ra trận. Nhưng đến ngày 2 tháng giêng năm 451, Thái Vũ đế hạ lệnh lui quân, chỉ bắt theo dân Tống mang về.

Ngụy Thái Vũ đế quay trở lại Vu Thai, đòi tướng Tống là Tạng Chất dâng rượu. Chất sai mang bình nước tiểu cho vua Ngụy. Thái Vũ đế nổi giận hạ lệnh đánh thành, không tiếc mạng quân sĩ cố đánh cho được. Sau đó vua Ngụy lại gửi thư hăm dọa Tạng Chất. Chất cũng cứng cỏi, gửi thư mắng lại, lại chép giải thưởng của triều đình Lưu Tống vào thư:

"Ai chém được Phật Ly (tức là Thái Vũ đế), phong hầu vạn hộ, thưởng 1 vạn tấm vải!"

Thác Bạt Đào càng tức giận, thúc quân đánh rát, nhưng hơn 1 tháng quân Ngụy hao tổn nhiều vẫn không hạ được thành. Lúc đó Bành Thành vẫn trong tay quân Tống, Thái Vũ đế sợ quân địch hợp 2 mặt đánh lại nên đành giải vây Vu Thai, rút về bắc.

Lúc quân Ngụy rút về qua Bành Thành, hoàng thân Lưu Nghĩa Cung không dám ra đánh. Sau đó vua Tống phát lệnh truy kích tới, quân Ngụy bèn giết hơn 1 vạn dân Tống bắt theo về vì họ đi chậm rồi toàn quân rút mau.

Chiến tranh Tống - Ngụy kết thúc năm 451. Cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề.

Hậu quả với Lưu Tống

Sau trận chiến này sức mạnh của quân Tống suy giảm hẳn, tuy nhiên Bắc Ngụy cũng tổn thất quá nửa binh lực. Từ đó hai bên giữ chặt biên giới dọc theo sông Trường Giang.

Ghi lại cuộc chiến này trong Tư trị thông giám, sử gia Tư Mã Quang viết:

"Quân đội nước Ngụy đã tàn phá các châu Nam Duyện, Từ, Bắc Duyện, Dự, Thanh, Tế. Quân Tống chết và bị thương vô số. Khi quân Ngụy bắt được tù binh, họ nhanh chóng xử tử luôn. Số trẻ em bị đâm ngang người bằng giáo, tai bị cắt xỏ thành từng dây để làm trò giải trí. Những vùng quân Ngụy đi qua bị đốt phá tan hoang đến nỗi cỏ cũng không mọc được. Đến mùa xuân khi chim sẻ quay trở lại, chúng không tìm được chỗ nào để xây tổ và phải bay vào rừng."

Nhận định về thất bại quân sự của Tống Văn Đế, Tư Mã Quang viết:

"Mỗi lần hoàng đế Văn đế cử tướng lĩnh cầm quân, các tướng lĩnh phải tuân theo kế hoạch của hoàng đế, thậm chí ngày mở chiến dịch cũng phải xin hoàng đế phê chuẩn, và họ chẳng được tự quyết định việc gì cả. Hơn nữa các đội quân dự bị không được huấn luyện kỹ càng, chẳng có kỷ luật, quân lính tiến bừa lên khi thắng trận và chạy tán loạn khi thất bại. Đó là hai lý do khiến Văn đế thất bại, nhà nước suy thoái, kỷ nguyên Nguyên gia kết thúc."

Một sử gia khác Thẩm Ước đã cho rằng Văn đế xây dựng quân đội theo cách thức của Quang Vũ đế thời Đông Hán, nhưng Văn đế khác Quang Vũ đế ở chỗ thiếu năng lực lãnh đạo quân sự và đích thân soạn thảo các kế hoạch quân sự.

Năm 452, sau khi nhận được tin Thái Vũ đế nhà Bắc Ngụy bị quyền thần Tông Ái giết, Văn đế lại chuẩn bị đánh miền bắc, giao cho tướng Tiêu Hi Hoa cầm quân. Nhưng sau khi cánh quân do Trương Dung chỉ huy bị thất bại tại Kiều Áo, Văn đế từ bỏ chiến dịch.